Người tiêu dùng thờ ơ dù Chính phủ đã giảm 50% lệ phí trước bạ

Admin 11/07/2023 0 nhận xét

Mặc dù chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã vừa chính thức đi vào hiệu lực, tuy nhiên bối cảnh tiêu dùng ô tô trong nước không có nhiều khả quan. Dự báo trong ngắn hạn, tình hình kinh doanh xe hơi cũng chưa thể phục hồi một cách nhanh chóng.

Ngày 28/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP tạm quy định lại mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước - bằng 50%  mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. Quy định này sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024 trở đi.

Chính sách này được ban hành với hy vọng kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Tuy nhiên trên thực tế trong những ngày đầu đi vào hiệu lực, thị trường chưa có những tín hiệu cải thiện khả quan.

Có mặt vào đầu giờ sáng 6/8/2023 tại một đại lý kinh doanh ô tô của thương hiệu Toyota tọa lạc tại quận Hoàn Kiếm, phóng viên ghi nhận không khí im ắng, chỉ có lác đác 1 - 2 khách tới xem xe. Các khách hầu hết cũng chỉ hỏi đáp qua loa một cách nhanh chóng và sau đó ra về, chứ không tỏ ra hào hứng, thực sự muốn tìm hiểu sâu về sản phẩm và có ý định “chốt cọc”.

Người tiêu dùng thờ ơ dù Chính phủ đã giảm 50% lệ phí trước bạ - Ảnh 1.

Dù giá và các chính sách ưu đãi cho ô tô đang rất tốt nhưng lượng người tìm đến showroom xe khá vắng.

Theo một nhân viên kinh doanh tại đây, từ đầu năm tới nay doanh số của cá nhân anh cũng như toàn thể đại lý đã sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. So với tháng trước, chính sách khuyến mãi từ phía hãng cũng như đại lý trong tháng này đã được điều chỉnh lại theo hướng giảm, “bù lại” bằng phần ưu đãi trước bạ của nhà nước; đặc biệt là với mẫu xe ăn khách Toyota Vios.

Nắm bắt được nhiều thông tin này, một bộ phận người tiêu dùng đã nhanh chóng chớp thời cơ, đặt cọc xe từ tháng trước để hưởng trọn ưu đãi từ nhãn hàng; nhưng sang tới tháng này mới lấy xe và tiến hành làm thủ tục ra biển để được hưởng cả ưu đãi từ phía Chính phủ. Do đó khoảng nửa cuối tháng 6/2024, sức mua có cải thiện đôi chút nhưng tới đầu tháng này thì câu chuyện kinh doanh lại “đâu vào đó”.

Tại một đại lý kinh doanh của Kia trên địa bàn Hà Nội, nhân viên tư vấn cho biết từ đầu năm tới nay, nhà phân phối Thaco đã nhiều lần điều chỉnh giá bán lẻ của hầu hết mẫu xe Kia theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên lượng khách đến mua sắm vẫn ngày một giảm. Cho tới nửa cuối tháng 6, tình hình được cải thiện đôi chút nhưng vẫn không đáng kể và khác xa so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ với phóng viên, một nhân viên kinh doanh của đại lý Hyundai khu vực Hà Đông cho biết, trong thời kỳ “hoàng kim” những năm 2018 - 2019, thu nhập của anh thường xuyên vượt 20 triệu đồng. Thời đó, khách hàng muốn sở hữu xe thậm chí còn phải “tác động mềm” bằng cách mua thêm phụ kiện của đại lý để giành xuất mua sớm. Còn bây giờ thì xe sẵn, giá rẻ, khuyến mãi ngập tràn nhưng câu chuyện lại như “gió đổi chiều”.

Từ sau khi dịch Covid-19 hoành hành, nền kinh tế kéo mọi thứ đi xuống; đến đầu năm nay sau khoảng 3 - 4 tháng “móm” không bán được một chiếc xe nào và mức thu nhập giảm xuống dưới 10 triệu đồng, anh đã buộc phải chủ động “dứt áo ra đi” tìm việc mới. Theo chia sẻ, đây là câu chuyện hiếm gặp mà là cảnh ngộ chung của “dân sale” mùa thấp điểm và đặc biệt phổ biến như trong năm nay.

Người tiêu dùng thờ ơ dù Chính phủ đã giảm 50% lệ phí trước bạ - Ảnh 2.

Theo một nhân viên kinh doanh tại đây, từ đầu năm tới nay doanh số của cá nhân anh cũng như toàn thể đại lý đã sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm trước.

Nắm bắt tình hình kinh doanh ô tô trong nước, một nhân viên trưởng phòng bán hàng tại đại lý Honda Tây Hồ thẳng thắn nhận định, câu chuyện thị trường đi xuống đã được dự báo từ trước, khi kinh tế trong nước gặp khó khăn, thị trường chứng khoán lao đao còn các kênh đầu tư khác nổi bật như bất động sản cũng chịu cảnh “nằm im thở khẽ”. Dòng tiền bị thắt lại khiến người dân giảm nguồn thu và buộc phải thắt chặt những khoản chi tiêu lớn như mua ô tô.

Thời điểm nửa đầu năm 2023, các hãng buộc phải thi nhau tung khuyến mãi “cắt máu” để đổi lấy doanh số, nhằm khơi thông dòng tiền, cố gắng hết mức để giảm lượng xe tồn trong kho gây ứ đọng vốn. Hơn nữa “thời điểm đen” của ngành mỗi năm - tháng Ngâu (tức tháng 7 âm lịch) sắp tới, nên trong ngắn hạn doanh số bán xe khó có thể cải thiện.

Nhưng dài hơi hơn trong khoảng từ nay tới cuối năm, hy vọng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp thị trường hồi sức, tương tự như thời điểm nửa cuối 2020, khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã giúp doanh số tăng đến 76% so với nửa đầu năm 2020 và tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Để chuẩn bị cho kịch bản này, các hãng xe cũng đã âm thầm triển khai những màn “khởi động” kỹ lưỡng. Cụ thể, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp nội địa (CKD) của Việt Nam đã tăng 25% so với tháng 5 và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022; đạt mức 34.500 chiếc theo ghi nhận của Tổng Cục Thống kê.

Số liệu của Tổng Cục Hải quan cũng cho thấy, trong giai đoạn nửa đầu tháng 6 (từ 1/6/2023 đến hết ngày 15/6/2023) đã có 4.838 xe ô tô nguyên chiếc được hoàn tất thủ tục thông quan, trị giá  hơn 136 triệu USD. Trong đó, sản phẩm xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm số lượng 3.576 chiếc; trị giá trên 82 triệu USD.

Hy vọng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ song song với việc tiếp tục duy trì khuyến mãi từ các hãng xe và cộng hưởng bởi sự chuẩn bị nguồn cung dồi dào sẽ khiến thị trường sôi động hơn trong những tháng cuối năm 2023.

Bình luận:
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: